Hiền tài quốc gia

Tại hội nghị TW7 đang họp, Đảng ta sẽ thảo luận và ra nghị quyết về thanh niên, nông dân và trí thức. Cùng với giai cấp công nhân, 3 bộ phận trên là lực lượng chính làm nên diện mạo của xã hội trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá hiện nay.

Thời nào cũng vậy, trí thức luôn được tôn trọng. Xưa, tế tửu Quốc tử giám Thân Nhân Trung đã khắc vào bia đá Văn Miếu một câu nổi tiếng “ Hiền tài là nguyên khí quốc gia” đến nay còn được truyền tụng. Mới đây thôi, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu tấm gương sáng cho việc trọng dụng nhân tài. Không chỉ các vị cộng sự thân tín nhất trong Đảng cũng như trong Nhà nước của Người là các trí thức nổi danh mà Người còn giới thiệu tham gia Chính phủ đầu tiên của nước ta nhiều trí thức dù họ mới đến với cách mạng, nhiều người chưa phải đảng viên. Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Lân Dũng trong một bài báo đã thống kê được 10 vị trí thức không phải là đảng viên được Bác Hồ mời làm bộ trưởng trong Chính phủ đầu tiên là các vị Huỳnh Thúc Kháng,Nguyễn Văn Huyên, Trần Đăng Khoa, Hoàng Tích Trí, Vũ Đình Hoè, Ngô Tấn Nhơn, Chu Bá Phương, Nguyễn Văn Tố, Bồ Xuân Luật, Phan Kế Toại ( sau này là Phó Thủ tướng) và tập hợp nhiều trí thức khác như Trần Đại Nghĩa, Huỳnh Tấn Phát, Tôn Thất Tùng, Hồ Đắc Di, Trần Hữu Tước, Phạm Ngọc Thạch, Cù Huy Cận, Nguyễn Lân và rất nhiều người nữa tham gia cách mạng, có nhiều cống hiến to lớn cho dân, cho nước. Sau này, Đảng ta cũng đã có rất nhiều chủ trương, chính sách nhằm đào tạo, bồi dưỡng, phát huy năng lực của đội ngũ trí thức trong nước cũng như ở nước ngoài trong sự nghiệp giữ gìn độc lập và phát triển đất nước và đội ngũ trí thức nước ta đã đóng góp phần không nhỏ vào sự nghiệp đó.

Tuy vậy, nhìn lại những đóng góp của trí thức cũng như những việc đã làm để trí thức phát huy được tài năng và tâm huyết của mình, vẫn có nhiều điều còn băn khoăn, chưa hài lòng. Về số lượng, nước ta hiện có khoảng 2,6 triệu người có trình độ đại học trở lên trong đó có 18.000 thạc sĩ, 16.000 tiến sĩ, trên 6.000 giáo sư và phó giáo sư. Trên 70% trong số này được phân bố trong các cơ sở sự nghiệp, 22% trong các cơ sở hành chính bao gồm cả các cơ sở nghiên cứu khoa học. Tuy chưa đáp ứng được yêu cầu nhưng với một nước đang phát triển, những con số trên không phải là quá nhỏ. Nhìn vào công trạng, trí thức Việt Nam thông minh, sáng tạo, trọng nghĩa cả, sẵn sàng khước từ giàu sang, thậm chí hi sinh cả thân mình để dân tộc và đất nước có ngày nay. Nhưng trí thức nước ta nhìn chung còn thiếu và yếu, tài năng nổi bật còn ít, uy tín quốc tế chưa nhiều, khát vọng sáng tạo còn hạn chế, một số trí thức giảm sút ý chí.

Tình trạng trên có nhiều lý do, từ điều kiện làm việc thiếu thốn; việc làm không đúng sở trường; đời sống khó khăn; môi trường xã hội không thuận lợi… nhưng bao trùm lên là chúng ta đang thiếu một chiến lược đào tạo và phát huy tài nguyên chất xám của quốc gia dù tài nguyên đó đang ở trong nước hay ở ngoài nước; thiếu một cái nhìn khoa học, tiền tiến về trí thức; coi trọng kinh nghiệm, đề cao những giá trị thực dụng. Đã có thời điểm, những quan niệm như vậy chi phối cách nhìn nhận về trí thức, tạo ra sự thiếu tin cậy lẫn nhau, tác động tiêu cực tới một bộ phận không nhỏ trí thức ngay với những người có nguồn gốc xuất thân từ công nhân và nông dân.

Chưa thể đòi hỏi nhận thức xã hội sẽ thay đổi ngay, nhưng nghị quyết về trí thức của Đảng chắc chắn sẽ tạo ra một bước chuyển quan trọng trong việc xây dựng, nâng cao chất lượng và phát huy năng lực của tầng lớp lao động trí óc trong thời kỳ CNH,HĐH. Điều cần nhất hiện nay là có cho họ một môi trường sống, môi trường làm việc thuận lợi; tôn trọng và nhìn nhận đúng về họ; sử dụng có hiệu quả sản phẩm trí tuệ của họ và mở ra con đường để mọi người- trong đó có trí thức- được phát triển và đóng góp tài năng của mình cho đất nước.

Theo ĐCS

Bình luận về bài viết này

  • " GẠT SANG MỘT BÊN NHỮNG SAI LẦM CỦA NGÀY HÔM QUA ĐỂ CÓ MỘT NGÀY LÀM VIỆC MỚI SẢNG KHOÁI, NHIỆT TÌNH..."

  • Thống kê

    • 417 189 hits